Ý nghĩa của các loại biển báo cấm và mức phạt khi vi phạm

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định biển báo hiệu đường bộ chia thành 5 nhóm cơ bản, bao gồm: biển báo nguy hiểm và cảnh báo; biển hiệu lệnh; biển báo cấm; biển chỉ dẫn; biển phụ; biển viết bằng chữ. Trong đó, nhóm biển báo cấm biểu thị các hành vi mà người điều khiển không được phép thực hiện khi lưu thông.

Việc nhận biết đặc điểm và tuân thủ đúng các quy định của biển báo cấm không chỉ giúp người tham gia giao thông tránh bị xử phạt mà còn đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển. 

Đặc điểm chung của biển báo cấm

Căn cứ theo Điều 15 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, các biển báo cấm có đặc điểm chung như sau:

Biển báo có dạng hình tròn.

Biển báo thường có nền trắng, viền đỏ, ký hiệu bằng hình vẽ hoặc chữ viết màu đen để thể hiện điều cấm.

Biển báo có dấu gạch chéo, mang ý nghĩa cấm người tham gia giao thông thực hiện.

Hầu hết các biển báo cấm đều có chung một quy cách thống nhất với đường kính là 70cm, viền đỏ rộng 10cm và vạch đỏ rộng 5cm.

>> Xem thêm:

Trong một số trường hợp đặc biệt, biển báo cấm có thể có hình dạng, màu sắc khác (Ví dụ: Biển cấm đi ngược chiều và dừng lại: nền đỏ, hình vẽ bên trong màu trắng; Biển cấm dừng và đỗ xe: cấm đỗ xe, cấm đỗ xe ngày lẻ, cấm đỗ xe ngày chẵn: nền xanh, hình vẽ bên trong màu đỏ và trắng).

Biển báo cấm chủ yếu có dạng hình tròn, viền đỏ và nền màu trắng

Ký hiệu và ý nghĩa các loại biển báo cấm theo quy định mới

Theo Điều 26 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo cấm sẽ bao gồm 66 loại. Trong đó, có 25 loại biển báo cấm thông dụng mà người tham gia thông cần nắm rõ bao gồm:

Biển báo

Ý nghĩa

P.101 “Đường cấm”

Biển báo cấm tất cả các loại phương tiện (xe cơ giới và xe thô sơ) di chuyển cả hai hướng, trừ các xe được ưu tiên theo quy định (xe chữa cháy, xe cứu thương, xe hộ đê, đoàn xe tang,...).

P.102 “Cấm đi ngược chiều”

Biển báo cấm tất cả các loại xe (xe cơ giới và xe thô sơ) đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe được ưu tiên theo quy định; người đi bộ được phép đi trên vỉa hè hoặc lề đường.

P.103a “Cấm xe ô tô”

Biển báo cấm tất cả các loại xe cơ giới (kể cả mô tô 3 bánh), trừ xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy và các xe được ưu tiên theo quy định.

P.103b “Cấm xe ô tô rẽ phải”

Biển báo cấm các loại xe cơ giới (kể cả xe 3 bánh) rẽ phải, trừ xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy và xe được ưu tiên theo quy định.

P.103c "Cấm xe ô tô rẽ trái"

Biển báo cấm các loại xe cơ giới (kể cả xe 3 bánh) rẽ trái, trừ xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy và xe được ưu tiên theo quy định.

P.105 “Cấm xe ô tô và xe máy”

Biển báo cấm tất cả các loại xe cơ giới và xe máy đi qua, trừ các xe ưu tiên theo quy định.

P.107a “Cấm xe ô tô khách”

Biển báo cấm ô tô chở khách đi qua, trừ các xe ưu tiên theo quy định.

P.115 “Hạn chế trọng tải toàn bộ xe”

Biển báo cấm tất cả các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định có trọng lượng toàn bộ xe và hàng hóa vượt quá trị số quy định ghi trên biển.

P.116 “Hạn chế tải trọng trên trục xe”

Biển báo cấm tất cả các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có trọng lượng toàn bộ xe và hàng phân bổ trên một trục bất kỳ của xe vượt quá trị số quy định trên biển.

P.117 “Hạn chế chiều cao”

Dùng để thông báo mức hạn chế chiều cao của xe.

Biển có hiệu lực cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định có chiều cao vượt quá trị số ghi trên biển đi qua (chiều cao được tính từ mặt đường đến điểm cao nhất của xe hoặc hàng hoá).

P.118 “Hạn chế chiều ngang xe”

Dùng để quy định chiều ngang tối thiểu của xe.

Biển có hiệu lực cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định có chiều ngang vượt quá trị số ghi trên biển đi qua.

P.119 “Hạn chế chiều dài xe”

Biển báo cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả xe ưu tiên theo quy định, có độ dài kể cả xe và hàng hoá lớn hơn trị số quy định trên biển.

P.121 “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”

Giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa 2 xe với cự ly nhỏ hơn trị số được quy định trên biển.

P.125 “Cấm vượt”

Biển có hiệu lực cấm tất cả các loại xe cơ giới vượt nhau (kể cả xe được ưu tiên theo quy định) nhưng được phép vượt xe máy 2 bánh, xe gắn máy.

P.127 “Tốc độ tối đa cho phép”

Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới chạy với tốc độ tối đa vượt quá trị số ghi trên biển, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.

P.128 “Cấm sử dụng còi”

Biển cấm tất cả các loại xe sử dụng còi.

P.130 “Cấm dừng xe và đỗ xe”

Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới dừng và đỗ ở phía đường có đặt biển, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.

P.131a “Cấm đỗ xe”

Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.

P.131b “Cấm đỗ xe”

Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển vào những ngày lẻ, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.

P.131c  “Cấm đỗ xe”

Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới, (trừ các xe được ưu tiên theo quy định) đỗ ở phía đường có đặt biển vào những ngày chẵn.

P.132 “Nhường đường cho xe cơ giới đi ngược chiều qua đường hẹp”

Dùng để báo hiệu lệnh các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên phải nhường đường cho các loại xe cơ giới đang đi theo hướng ngược lại qua các đoạn đường hoặc cầu hẹp.

P.136 “Cấm đi thẳng”

Biển báo có hiệu lực cấm tất cả các loại xe đi thẳng, trừ xe ưu tiên theo quy định.

P.137 “Cấm rẽ trái, rẽ phải”

Biển báo cấm tất cả các loại xe rẽ trái hoặc phải, trừ xe ưu tiên theo quy định.

P.138 “Cấm đi thẳng, rẽ trái”

Biển báo cấm tất cả các loại xe đi thẳng hoặc rẽ trái, trừ xe ưu tiên theo quy định.

P.139 “Cấm đi thẳng, rẽ phải”

Biển báo cấm tất cả các loại xe đi thẳng hoặc rẽ phải, trừ xe ưu tiên theo quy định.

 

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 27 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về biển báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT, trong trường hợp cần thiết cấm theo thời gian, dưới biển cấm cần phải đặt thêm biển phụ số S.508, có thể viết thêm chú thích bằng tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh trong biển này (nếu khu vực đó có nhiều người nước ngoài tham gia giao thông hoặc tuyến đường đối ngoại).

Biển phụ số S.508 được đặt dưới biển cấm để quy định về thời gian phương tiện không được phép hoạt động

Mức phạt lỗi đi vào đường cấm

Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cho người tham gia giao thông vi phạm lỗi đi vào đường cấm được quy định cụ thể như sau:

STT

Phương tiện

Mức phạt 

Quy định dựa theo

1

Xe ô tô và xe tương tự ô tô

Từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng.

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng.

điểm b khoản 4 và điểm b khoản 11 Điều 5

2

Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện)

Từ 400.000 - 600.000 đồng.

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng.

điểm i khoản 3 và điểm b khoản 10 Điều 6

3

Xe máy chuyên dùng

Từ 400.000 - 600.000 đồng.

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng.

điểm b khoản 3 và điểm a khoản 10 Điều 7

4

Xe đạp, xe đạp điện, xe đạp máy

Từ 200.000 - 300.000 đồng.

điểm c khoản 3 Điều 8

 

Với các thông tin chia sẻ trên, người điều khiển phương tiện đã có thể nắm được các đặc điểm và ý nghĩa biển báo cấm phổ biến. Bên cạnh đó, khi vi phạm lỗi đi vào đường cấm, người điều khiển phương tiện không chỉ bị phạt hành chính mà còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe lên đến 3 tháng. Vì thế, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ các quy định trên biển báo để đảm bảo an toàn cũng như tránh bị xử phạt.

>> Tìm hiểu thêm: Danh sách các công ty vận tải biển lớn ở Việt Nam

Theo vinfastauto.com